Cơn mưa chiều ào tới má vẫn còn bước thấp bước cao ở ngoài đồng ruộng. Về đến nhà, nụ cười tươi còn vương những giọt nước mưa, má bảo: “Ngày mai nhà mình được ăn một bữa nấm rơm ra trò rồi đấy”.
Không riêng gì nhà tôi, cả xóm quê nghèo ngày ấy, những đứa trẻ sàn sàn tuổi lên mười như tôi đứa nào cũng tranh thủ từ sớm tinh mơ, khi những hạt mưa chiều qua chưa kịp ráo đã cắp rổ đi nhặt nấm.
Nhặt nấm rơm, công việc vốn quen thuộc như đi giữ bò, cắt cỏ ấy mà đứa trẻ nào cũng thích, cũng xung phong giành phần người lớn. Bởi không những được quyền bới tung cả đống rơm ẩm ướt hoặc tha hồ chạy nhảy giành nhau từng chiếc nấm mà quan trọng hơn là cảm giác được đóng góp “chút công” vào mỗi món ăn sẽ khiến con người ta thấy ấm cúng hơn, ngon hơn khi thưởng thức.
Lúc nào cũng thế, từ rổ nấm tôi vừa hái, má chia thành nhiều phần nhỏ để dành làm phụ liệu chế biến các món cả nhà yêu thích. Món dân dã nhất nhưng rất “bắt cơm” trong những ngày mưa là nấm rơm xào. Nấm rơm rửa sạch, chẻ đôi hoặc xé nhỏ thành sợi; đun nóng dầu, phi thơm hành, cho vào xào; nấm chín tới là vừa ăn.
Mỗi lần về quê, vào những ngày mưa thế nào tôi cũng chạy ù ra vườn nhà tìm nấm trong đống rơm đã ngả màu mục rạ. Những chiếc nấm ngộ nghĩnh, thấp lè tè, ẩn hiện như đang chơi trò trốn tìm cứ ít dần theo năm tháng. Vậy mà cái mùi nấm chín thoảng thoảng, ngái ngái hương đồng xen lẫn rơm rạ bay ra từ chái bếp tranh cũ, kỹ của má vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. |
Theo kinh nghiệm người quê tôi, nấm rơm xào với một số loại rau như rau dền, rau lang không những là món ăn ngon mà giúp tránh được các bệnh mà món mặn mang lại như tăng huyết áp, táo bón…
Ngoài ra, nấm rơm còn dùng nấu canh, hấp trứng… Chỉ vài lá rau bùi ngọt, vài cộng mồng tơi nơi góc vườn đã có một bát canh nấm giải nhiệt vào những ngày nóng bức. Nhưng có lẽ khoái khẩu nhất vẫn là nấm rơm đúc bánh xèo. Không cần cầu kỳ, mỗi cái bánh chỉ cần vài con tôm đồng, ít nấm xé thành sợi là có món bánh xèo ngon.
Đặc biệt, nấm rơm nướng từ bao giờ đã trở thành ký ức khó quên của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên nơi miền đồng quê. Buổi sáng mùa hạ, tranh thủ thả bò gặm cỏ, đám con nít phân nhau đứa đi nhặt nấm, đứa bẻ củi nhóm lửa.
Nấm nhặt được xé nhỏ, rắc thêm ít muối, gói vào lá, thường là lá chuối mang theo sẵn, vùi vào tro của bếp lửa mới nhóm giữa đồng. Những khuôn mặt lấm nhọ nhem, tụm năm tụm bảy, vừa mở gói lá thơm phức mùi nấm, vừa hít hà vì thèm, vừa xuýt xoa vì nóng.