Do hội tụ nhiều thành phần dinh dưỡng, nên cây măng tây xanh được giới ẩm thực gọi là “rau vua”. Măng tây còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để cây măng tây xanh phát triển trên vùng đất Nam Trung bộ theo hướng bền vững, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) đã xây dựng mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa với diện tích 5ha.
Từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2020, các mô hình trồng thử nghiệm để hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao tại khu vực Nam Trung bộ đã được triển khai. Theo đó, đã xác định bộ giống măng tây xanh năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất trong khu vực. Bên cạnh đó, xác định loại phân hữu cơ sản xuất trong nước phù hợp cho trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao, xác định liều lượng bón và thời kỳ bón phân phù hợp, kết hợp kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt tự động trên ruộng măng tây xanh.
Song song đó, xác định các biện pháp kỹ thuật giữ ẩm đất cho trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao trên vùng đất thành phần cơ giới nhẹ; kỹ thuật cắt ngọn và tỉa chồi thay thế cây mẹ phù hợp cho trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao giai đoạn kinh doanh, kỹ thuật quản lý dịch hại trên đồng măng tây.
Ngoài ra, Viện Nha Hố cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật thu hái và bảo quản măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao cho vùng Nam Trung bộ. Qua đó, xác định thời gian thu hoạch măng tây xanh thương phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, năng suất và chất lượng măng cao nhất; các loại màng để bảo quản măng tây xanh thương phẩm thích hợp.
Sau khi hoàn thiện quy trình, trong năm 2019 và 2020, Viện Nha Hố đã mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật tại huyện Ninh Sơn, huyện Ninh Phước, TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) và HTX Măng tây Ninh Hoà (Khánh Hoà). Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, nông dân được chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc cây măng tây ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong năm 2020, Viện còn mở thêm 2 lớp đào tạo tại xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) và phường Mỹ Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm) về áp dụng VietGAP cho cây măng tây. Qua đó, nông dân được đào tạo sản xuất cây măng tây theo VietGAP, các biểu mẫu và cách ghi chép, lưu giữ các thông tin trong quá trình sản xuất măng tây.
Theo TS Mai văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, áp dụng quy trình sản xuất cây giống măng tây xanh nhân bằng hạt mới giúp giảm chi phí đầu tư cho giống khoảng 50%, từ đó góp phần phát triển sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Áp dụng quy trình canh tác, thu hái và bảo quản măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nước tưới, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, hạn chế dùng thuốc BVTV có độ độc cao, góp phần bảo vệ nguồn thiên địch, giảm độc hại đối với người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, quy trình thu hái và bảo quản măng tây thích hợp giúp tăng thời gian bảo quản, góp phần tăng tính chủ động về sản phẩm măng tây xanh phục vụ thị trường, tạo điều kiện phát triển sản xuất măng tây xanh ngày càng ổn định, có hiệu quả.
“Kết quả triển khai dự án sẽ là tiền đề định hướng phát triển vùng trồng măng tây xanh trong những năm tới trên địa bàn các tỉnh khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, giúp người dân tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng chuyên canh trồng măng tây xanh, giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân”, TS Mai Văn Hào chia sẻ.
Trong hơn 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã sản xuất trên 330.000 cây giống măng tây xanh cung cấp cho trồng thử nghiệm và sản xuất. Từ đó, người trồng măng tây đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 120 tấn măng tây thương phẩm.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-mang-tay-xanh-d337895.html