Ngày nay, măng tây thường được sử dụng như một món ăn trong các gia đình. Loài thực vật này có hàm lưỡng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ và vitamin trong ngăn ngừa chống lão hóa. Bên cạnh đó, măng tây có nhiều tác dụng mà không phải ai cũng biết đến. Hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đây.
Măng tây là cây gì?
Tên khoa học
Măng tây là một loại thực vật dùng làm rau ăn hàng ngày, có tên khoa học: Asparagus officinalis. Nó thuộc họ Asparagaceae.
Loài này từng được xếp vào cùng giống với các loài hành và tỏi, nhưng họ Liliaceae đã được tách ra và các cây giống hành hiện thuộc họ Amaryllidaceae và Asparagus.
Mô tả cây măng tây
Măng tây có dạng cây thân thảo, thân mọc ngầm trong đất, gọi là thân rễ. Thân rễ khá dày, có nhiều rễ dài, đường kính 5 đến 6 mm, màu nâu sáng xốp. Các thân đứng mọc khỏi mặt đất có các vết sẹo lởm chởm của những nhánh đã rụng. Các thân này mang những vòng cành biến đổi thành lá dạng hình kim. Lá thật đã tiêu biến.
Hoa của nó rất nhỏ, có màu lục, dạng hình chuông, dài độ 6 mm, tập hợp 4-6 cái thành nhóm ở nách lá. Quả hình cầu, dày, và màu đỏ.
Phân bố
Người ta phân biệt giữa hai loại măng tây trắng và xanh. Tùy thuộc vào khu vực trồng trọt, cây được thu hoạch ở châu Âu từ tháng 3 đến tháng 6 và được đánh giá cao như một loại rau.
Đây là một loại cây bản địa ở châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Hiện nay đọt non của cây được trồng nhiều nơi và dùng trong ẩm thực như một loại rau, ở nước ta nhiều cũng trồng được như Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng,…
Thành phần hoá học
Trong cây có các thành phần đã biết là nước 90 – 95%, glucid 1.7 – 2.5%, lipid 0.1 – 0.15%, protid 1.6 – 1.9%, cellulose 0.55 – 0.7%, vitamin A, B1, B2, C, khoảng 10% chất khoáng với mangan, sắt, photpho, kali, calcium four, brom, iot, tanin, saponosid;
Các chồi non của cây chứa asparagin, coniferin, rutosid, anthocyanosid và dẫn xuất methyl sulfonium của methyl mercaptan (methanethiol). Những chất này sẽ gây ra mùi khó chịu ở măng tây.
Bên cạnh đó, trong rễ cây còn có sarsasapogenin coniferin, acid chelidonium, mannit, asparagin, muối của kali.
Tác dụng dược lý của măng tây
Giảm viêm, chống oxy hóa, giải độc
Măng tây là một loại thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và giảm độc tố đáng kể.
Theo phát hiện khoa học gần đây, măng tây có khả năng giúp làm giảm đáng kể men gan trong huyết thanh. Điều này được lý giải là do trong cây có chất bảo vệ gan chống lại các tổn thương, phục hồi các tổn thương mô gan.
Bên cạnh đó, việc sử dụng măng tây đã cải thiện sự thay đổi mô bệnh học ở thận và các chỉ số chức năng thận. Hơn nữa, một nghiên cứu đã chứng minh rằng sự cải thiện là do giảm quá trình peroxy hóa lipid và tăng khả năng chống oxy hóa. Đặc tính chống oxy hóa này của cây nhờ các hoạt chất flavonoid và polyphenol.
Hỗ trợ làm đẹp da
Từ sau tuổi 25, ở nữ giới, sự lão hóa da bắt đầu xuất hiện nhờ các gốc tự do khiến da bắt đầu mất hình dáng ban đầu, hình thành nếp nhăn, chảy xệ, nám, tàn nhang. Măng tây có nhiều vitamin C và vitamin A. Đây là 2 chất hàng đầu bảo vệ da vững vàng trước tác hại của những gốc tự do. Ngoài ra, vitamin C còn giúp cho sự tổng hợp collagen. Collagen giúp nâng đỡ da và ngăn ngừa sự lão hóa da.
Ngừa bệnh béo phì
Ngày nay, tỷ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới dẫn đến các vấn đề sức khỏe lớn như bệnh đái tháo đường type 2, bệnh thiếu máu cơ tim, đột quỵ và ung thư. Cần phải điều trị những người béo phì bằng cả can thiệp lối sống hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc hay can thiệp phẫu thuật trong không phải lúc nào cũng thích hợp.
Việc sử dụng măng tây giúp thay đổi trọng lượng cơ thể, phân bố mỡ trong cơ thể, tỉ lệ vòng eo hông và ức chế cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, theo nghiên cứu măng tây không có tác dụng phụ đáng kể nào so với nhóm đối chứng được đề cập; và cũng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Hỗ trợ chống khối u
Phần gốc không ăn được (chiếm khoảng 30 – 40%) của cây thường bị cắt bỏ đi như một chất thải. Tuy nhiên, sản phẩm phụ này đã được báo cáo là giàu chất phytochemical có hoạt tính sinh học. Nó có thể được sử dụng như một chất bổ sung trong thực phẩm để có tác dụng ức chế đối với sự phát triển và di căn của khối u.
Giúp giảm say rượu
Ngoài ra, theo các sách Y học bản địa ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước ở châu Âu, măng tây có các chức năng sinh học trong việc giảm bớt cơn say rượu và bảo vệ tế bào gan chống lại các chất độc hại.
Cách sử dụng, bảo quản măng tây
Măng tây thường dùng ở dạng rau tươi để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng. Người ta thường dùng măng tây để xào, luộc, hoặc nấu súp măng cua trong bữa ăn hằng ngày, tiệc cỗ của người Việt.
Tuy nhiên, măng tây là loại rau chứa nhiều purin. Đây là hợp chất trong cơ thể chuyển hóa thành acid uric. Vì vậy, đối với những người mắc bệnh gout, loại thực vật này có thể làm người bệnh đau khớp, người bệnh nên cân nhắc khi sử dụng.
Măng tây là thức ăn giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên có một số người không thể hoặc hạn chế sử dụng. Quý độc giả không nên lạm dụng, ăn quá nhiều để tránh những tác hại không mong muốn. Trong trường hợp muốn sử dụng măng tây như một phương thuốc chữa bệnh; bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ điều trị.
Nguồn: https://youmed.vn/tin-tuc/mang-tay/